SÂN KHẤU HỒNG HẠC
Sân khấu kịch Hồng Hạc (trực thuộc đơn vị chủ quản là Hồng Hạc media) chính thức ra mắt vào ngày 25/12/2015 tại Sân khấu Thể nghiệm trường Múa TP.HCM, số 155 Bis Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, TP.HCM, với vở Thiên Thiên.
Sân khấu Hồng Hạc nói riêng và Hồng Hạc media nói chung được thành lập bởi đạo diễn Việt Linh và các cộng sự. Đạo diễn Việt Linh – GĐ Nghệ thuật của Hồng Hạc media là một người yêu thích sân khấu, từng học và thực hành về sân khấu trong trường điện ảnh ở Liên Xô. Sau này dù thường xuyên ở nước ngoài, nhưng mỗi lần về nước chị đều cố gắng đi xem kịch. Và ấp ủ thực hiện một dự án sân khấu của riêng mình.
Sân khấu Hồng Hạc ra đời đánh dấu chặng đường nghệ thuật mới của đạo diễn Việt Linh, một người làm điện ảnh, văn chương bước chân sang hoạt động sân khấu. Đó là lý do Việt Linh mong muốn các vở diễn của sân khấu Hồng Hạc tiệm cận điện ảnh và văn học nhất có thể. Ngoài ra, bằng sức vóc khiêm tốn của mình, Hồng Hạc cũng mong muốn tạo cơ hội cho người trẻ, ý tưởng mới; điều này được minh chứng khi rất nhiều vở diễn tại SK Hồng Hạc được thực hiện bởi các đạo diễn trẻ – những người lần đầu tiên có tác phẩm dàn dựng trên sân khấu như: Hồng Ánh, Chi Cù, Lan Phương, Tây Phong, Thiên Huân, Cẩm Tiên.
Sau gần 3 năm thành lập và hoạt động; Sân khấu Hồng Hạc đã có hơn 10 kịch mục với các vở diễn mang nhiều thể loại/ đề tài khác nhau: Tâm lý xã hội (Thiên Thiên, Visa), Tâm lý Gia đình (Diễn viên hạng 3), Tâm lý hình sự (Giờ của Quỷ), Thiếu nhi (Thiên thần nhỏ của tôi), thân phận con người (I am đàn bà); cho đến các vở diễn cổ điễn (Eugienie Grangdet) hay mang đậm tính thể nghiệm (Ngộ Nhận, Tro Tàn Rực Rỡ)… Tất cả các vở diễn dù ở thể loại nào đều cũng hướng đến mục đích mang lại một cảm xúc nhất định cho khán giả sau khi ra về, để rồi khán giả sẽ vấn vương với những cảm xúc ấy và nhớ đến Sân khấu Hồng Hạc như một điểm hẹn dành cho người yêu sân khấu pha lẫn văn học và điện ảnh.
Hình ảnh
Tin tức
Đánh giá

Dù không phải người làm sân khấu, nhà văn Ngô Thị Kim Cúc nhận định: : “Tôi cảm thấy mình bị cuốn hút theo diễn xuất của các diễn viên của vở. Các diễn viên đã thành công trong việc dẫn dắt khán giả từ cảm xúc đến nội dung. Bối cảnh sân khấu nếu đẹp hơn nữa thì rất tốt, nhưng điều khiến tôi quan tâm nhất vẫn là diễn xuất của diễn viên và nội dung thể hiện có được như ekip mong muốn hay không. Tôi cảm ơn đạo diễn, các bạn diễn viên đã thực hiện vở kịch nghiêm túc, tử tế và đầy cảm xúc.”

GS.TS. Huỳnh Như Phương cho biết vở diễn “Eugeníe Grandet” gợi nhớ đến những kỷ niệm thời đi học của ông với cô giáo người Bắc là cô Lê Hồng Sâm. Ông bày tỏ: “Tôi đã xem 4-5 vở kịch ở sân khấu Hồng Hạc, các vở ấy được chuyển thể từ một truyện ngắn hoặc được xâu chuỗi từ 2-3 truyện ngắn, nhưng về chiều sâu tư tưởng không giống “Eugeníe Grandet”. Vì vậy tôi nghĩ chị Việt Linh rất khó khăn để dồn ép dung lượng tiểu thuyết thành một kịch bản sân khấu hoàn chỉnh. Là người xem vở kịch cổ điển đầu tiên của Hồng Hạc, tôi cảm thấy không thất vọng. Hơn vậy, tôi mong muốn ekip xin được tài trợ để đem vở ra Hà Nội lưu diễn, giao lưu, học hỏi với các đoàn kịch khác.

“Mong là ai nấy đều có một buổi tối thứ 6 thật vui! Tối qua đi xem vở kịch “Thiên thần nhỏ của tôi” ở sân khấu Hồng Hạc, các em kéo tôi về tuổi thơ, giữa tính toán của người lớn và những thay đổi, chia xa. Sau vai diễn trong “Cô gái đến từ hôm qua” chắc em đã có thêm nhiều nhiều lời mời, lần này em đóng có lẽ còn cảm xúc hơn nữa, lúc nào khóc cũng thấy thương dễ sợ … Lần đầu tiên mà cũng vô tình được “dự” buổi chuyển giao thế hệ trên sân khấu kịch xúc động quá chừng … Cảm ơn cô Việt Linh luôn kiên trì với kịch nghệ với những vở kịch mang tính nhân văn, nuôi dưỡng tâm hồn và đây là vở kịch đầu tiên diễn viên chính toàn là con nít/thiếu niên, từ bắc chí nam chưa chỗ nào làm được – Rapper Suboi