Sân khấu
I AM ĐÀN BÀ
Năm sản xuất : 2017 | Nhà sản xuất : Hồng Hạc
Giới thiệu
Tóm tắt vở diễn: I Am Đàn Bà được nhà văn Y Ban lấy cảm hứng từ một mẩu tin nhỏ mà tác giả đọc trên báo. Mặc dù bản tin không cho biết quốc tịch nhân vật, nhưng độc giả biết đó là một phụ nữ Việt Nam nghèo phải ra nước ngoài giúp việc, để cuối cùng trở thành tội phạm éo le. Nữ đạo diễn Việt Linh, người chuyển thể kịch bản, cho biết : “Tôi chia sẻ với Y Ban khi giữ nguyên chữ đàn bà không dịch trong tựa truyện, bởi ngay tiếp cận đầu tiên nó cho thấy tính nhập nhằng của ngôn ngữ, mà về sau là tính nhập nhằng cảm xúc. Hơi khác văn học, tác phẩm chuyển thể muốn làm cầu nối tâm hồn cho những người phụ nữ, luôn bị gánh nặng gia đình, luân lý đặt lên vai. Hai nhân vật chủ – tớ quá khác biệt nhưng thật sự đồng cảm, thương mến nhau. Chính điều này khiến bi kịch trở nên trớ trêu”
Thông tin
A | B |
Nhà phát hành | Hồng Hạc media |
Đạo diễn | Ngô Phạm Hạnh Thúy |
Biên kịch | Việt Linh |
Diễn viên | Lê Chi Na, Minh Thảo |
Thanh Tuấn,Ngọc Tường | |
Lương Mỹ, Oanh Kiều | |
Thành Tá, bé Tú Như Việt Hà, Cẩm Tiên |
A | B |
Music | Quốc Bảo |
Kĩ thuật âm thanh | Quang Chiến |
Nguyễn Khang | |
Kĩ thuật ánh sáng | Việt Hà |
Hình ảnh
Đánh giá

Năm 2006, truyện ngắn I am đàn bà ra mắt công chúng. Ngôn từ trần trụi với những chi tiết miêu tả cặn kẽ về sex khiến tác phẩm gây xôn xao dư luận bấy giờ. Nhà văn kể chị lấy cảm hứng viết truyện từ một mẩu tin trên báo: một phụ nữ Việt xuất ngoại lao động và bị kiện ra tòa vì quấy rối tình dục ông chủ – người đàn ông bị liệt do chị chăm sóc. 10 năm sau, vụ việc nhức nhối này được tái hiện với dàn diễn viên: Lê Chi Na, Thanh Tuấn, Ngọc Tưởng, Tố Như, Minh Thảo…
Trong truyện gốc, nhà văn Y Ban không miêu tả cụ thể về bối cảnh. Khi chuyển thể, Việt Linh xin phép tác giả đưa không gian truyện về một vùng quê sông nước miền Tây. Nơi đó, chị Sa sống lay lắt cùng chồng con trên chiếc ghe dột nát. Nhân có đoàn về xã tuyển lao động đi nước ngoài, chị dứt áo ra đi để có tiền trả nợ, mua đất với mong muốn gia đình chấm dứt cảnh lênh đênh. Sang nước ngoài, chị làm giúp việc cho một gia đình giàu có, ông chủ bị liệt, bà chủ đi làm sớm khuya. Hai năm ròng chị kề cận, săn sóc một người đàn ông xa lạ, lúc sắp mãn hạn hợp đồng thì sự việc xảy ra. Một chiếc camera đã ghi lại hành động của chị, khiến người đàn bà miệt vườn bỗng vướng vòng lao lý…
Chất miền Tây hiện lên trong vở kịch rất đời, rất thực. Những người miền sông nước dễ cay mắt trước cảnh chị Sa chăm chút cho từng khóm rau mùa nước ngập mặn, cảnh người mẹ vừa la vừa kỳ cọ cho đứa con nghịch ngợm dính đầy đất phèn… Họ cũng dễ đồng cảm trước cách chị Sa gục đầu lên lưng chồng khóc nấc khi quyết định đi xuất khẩu lao động, hay cách người phụ nữ đau đáu làm sao để có tiền mua đất – chứ chưa phải là nhà – để an cư lạc nghiệp. Đó còn là nỗi lòng người mẹ khi hồ hởi nhận lương, cóp nhặt từng đồng trong chiếc hộp nhỏ, đếm từng ngày được về nhà tặng con manh áo mới.
Thực trạng lấy chồng nước ngoài ở miền Tây cũng được đạo diễn và biên kịch phản ánh. Những cô gái ôm mộng đổi đời, hay chí ít là phụ giúp kinh tế cho gia đình, gạt nước mắt nhận lời làm vợ những người họ chỉ thấy qua ảnh – người mà “may mắn thì chân tay còn lành lặn”. Nỗi buồn “lấy chồng như chơi xổ số” – như cách ví von của một nhân vật trong vở kịch – được thể hiện nhẹ nhàng nhưng vẫn thấm thía, xót xa. Họ ôm nhau mừng mừng tủi tủi nơi xứ người, chia nhau từng hột vịt lộn – món quà quê mình đang nhớ quay quắt. Nỗi lòng của những người con xa xứ mưu sinh cứ thế phảng phất trong từng phân cảnh.